Sau đám cưới diễn ra vào giữa tháng 2, cô dâu Nguyệt Như đến từ TP HCM đã chia sẻ danh sách các công việc cần chuẩn bị cho hôn lễ với hy vọng giúp nhiều đôi bớt bỡ ngỡ trong việc lên kế hoạch cưới.
Dưới đây là bài viết của Nguyệt Như.
Cô dâu Nguyệt Như (áo dài trắng) bên dàn phù dâu trong ngày hạnh phúc. Ảnh: Jin Bao |
1. Thời gian
- Xác định khoảng thời gian hôn lễ diễn ra để lên kịch bản cưới.
- Liên hệ nhà cung cấp dịch vụ cưới để đặt lịch vào thời gian thích hợp. Tùy vào ngày thấp/cao điểm để kéo dài/rút ngắn thời gian của dịch vụ cho hợp lý.
- Thời gian hoàn hảo để chuẩn bị cho đám cưới là từ 6 tháng đến 1 năm.
2. Chi phí
- Xác định cụ thể ngân sách, các nguồn thu chi có thể phát sinh.
- Chia tách các khoản chi tiêu của từng hạng mục, giúp tiết kiệm thời gian.
- Ghi chú thời hạn thanh toán hợp đồng lần 1, lần 2 để sắp xếp nguồn tài chính hợp lý.
- Thương lượng cụ thể với các nhà cung cấp dịch cưới, hỏi về sự thay đổi các lựa chọn có trong hợp đồng trước khi đặt bút ký. Nhớ đề cập tất cả các thắc mắc với người cung cấp dịch vụ để có sự tư vấn cặn kẽ.
- Lưu các thỏa thuận, hợp đồng trên giấy, hình ảnh, email cùng một nơi để không mất thời gian tìm kiếm.
3. Địa điểm
- Cân nhắc nơi làm lễ gia tiên và tiệc cưới, tránh giờ kẹt xe, khoảng cách càng xa rủi ro càng cao.
- Cân nhắc nơi ở của các nhóm khách chính.
- Địa điểm tổ chức cưới phải có chỗ giữ xe, tránh để khách đi bộ quá 5 phút. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những vị khách đi giày cao gót, tránh tình hình thời tiết xấu và lối đi gập ghềnh.
4. Trang điểm
- Hình dung về phong cách trang điểm, thu thập các kiểu trang điểm đẹp, tham khảo ý kiến từ các nguồn đáng tin cậy.
- Lọc danh sách 2-3 thợ/chuyên gia makeup đáp ứng chi phí dự kiến. Chủ động trò chuyện xem ai là người hiểu phong cách của bạn. Nếu chọn chuyên gia makeup có tiếng, bạn nên liên hệ sớm hoặc chí ít là 6 tháng trước ngày cưới.
- Ký hợp đồng với các điều khoản về lịch trình, địa điểm cụ thể.
5. Trang trí
- Hình dung và thu thập các hình mẫu trang trí phù hợp tính cách của hai vợ chồng. Tham khảo ý kiến từ các nguồn tin cậy để xác định khả năng cung ứng hoa tươi từ nhà cung cấp (nếu đám cưới có sử dụng hoa tươi).
- Xác định màu sắc chủ đạo của tiệc cưới (từ 2-3 màu), chọn phong cách, cố gắng sử dụng các chất liệu mang tông màu chủ đạo.
6. Quay phim
- Mỗi cá nhân sẽ có các yêu cầu khác nhau, thông thường bạn sẽ sử dụng dịch vụ quay phim cho tiền đám cưới (prewedding), lễ gia tiên và đám cưới. Nên hỏi gia đình về các địa điểm tổ chức gia tiên, đám cưới để tiện trao đổi với nhà cung cấp.
- Chọn phong cách hai vợ chồng yêu thích và chủ động bày tỏ mong muốn với bên quay phim ngay từ đầu.
- Nhắc lại ngày giờ làm lễ với bên quay phim trước 1 tuần và hỏi thời gian nhận được sản phẩm.
7. Chụp hình
- Các công việc diễn ra tương tự khi thuê ekip quay phim. Chú ý các tông màu hai bạn yêu thích, cách retouch và phong cách chụp phù hợp với ekip trang trí tiệc cưới.
8. Trang phục
- Áo dài nên may trước 3 tháng để tiện sửa chữa nếu cần thiết, cân nhắc về thời gian nếu trùng với dịp nghỉ lễ.
- Áo cưới: chọn các trang phục yêu thích, tổng hợp từ 10 – 15 mẫu, đi thử dáng để biết mẫu váy nào phù hợp với bản thân và chọn ra 5 mẫu váy phù hợp.
- Nếu may đo trang phục cưới, nên chú ý tới các trang phục lót và giày sẽ sử dụng.
- Sau khi chọn được tiệm áo cưới yêu thích, nên theo dõi ngày ra bộ sưu tập mới của cửa hàng để đến thử váy sớm, tránh đến muộn sẽ hết mẫu.
- Chủ động hẹn ngày lấy váy phù hợp với lịch trình cưới.
- Nên đi lấy váy 2 ngày trước cưới (trừ khi tiệm váy ở ngay sát nhà thì có thể lấy váy muộn hơn), nhớ hẹn ngày gửi trả.
9. Gia đình
- Hỏi các yêu cầu đặc biệt cho từng hạng mục, tránh tình trạng hoàn thiện rồi phải sửa.
- Cần thống nhất với gia đình về dự định, phong cách trang trí đám cưới để mọi người chọn lựa trang phục phù hợp cũng như dễ thích ứng với các ý tưởng của bạn.
- Lên danh sách nhiệm vụ cho từng người.
- Vào ngày cưới, cô dâu chú rể không tham gia vào nhiệm vụ gì ngoài làm lễ và tiếp đón khách khứa.
10. Thiệp cưới
- Chọn phong cách thiệp phù hợp với phong cách trang trí và sở thích cá nhân.
- Lưu ý sắp xếp gửi thiệp cho khách mời từ 1-2 tuần trước cưới bởi công đoạn này khá mất thời gian. Nếu gửi thiệp theo đường bưu điện, nên sử dụng các dịch vụ chuyển phát có số theo dõi (tracking number) để tránh thất lạc thư.
11. Ảnh cho bàn gallery
- Chủ động liên hệ ekip trang trí về kích cỡ khung hình.
- Lựa chọn hình thích hợp và đi rửa ảnh từ 1-2 tuần trước ngày cưới.
12. Chuẩn bị cho ngày cưới
- Xin kịch bản từ MC để chỉnh sửa nội dung phù hợp theo yêu cầu gia đình, nên có 1 người thân chịu trách nhiệm truyền đạt cho MC.
- Chọn 1 người phụ trách âm thanh, hình ảnh, nên để toàn bộ dữ liệu vào USB, không sử dụng các tệp, thông tin trên mạng (phòng trường hợp sảnh cưới không có mạng internet).
- In sơ đồ sảnh có tên từng bàn để người thân dẫn khách vào tiệc cưới.
- Chọn 1 người thân phụ trách làm việc với quản lý sảnh tiệc.
- Chuẩn bị đồ ăn vặt cho cô dâu, chú rể, người thân tại một bàn nhỏ để tránh tiếp khách không có thời gian ăn. Bạn nên nói chỗ đề đồ để mọi người nắm được.
13. Sau ngày cưới
- Gửi lời cảm ơn đến từng người trong ekip.
- Thanh toán nốt các chi phí đến hạn.